Trước là xương máu đồng bào rỉ rả vào sông núi, sau là oan linh chưa ngơi nghỉ của trượng phu, người con gái ấy đã hiệu triệu muôn phương vùng lên tranh đấu. Từ đây thân gái dặm trường, một góc trời hô phong hoán vũ, đánh cho Tô Định mất mật tháo về. Ngọn cờ nương tử phất lên, đưa Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành trì Lĩnh Nam quy về một mối, mở ra một buổi thời tự trị. Để rồi sơn hà giành lại nhưng thời đẹp chớm tan.
Một người đàn bà phương Nam xưng vương là cái gai, là “nữ tặc” trong mắt thiên triều. Uy danh Hai Bà khiến tập đoàn đô hộ phương Bắc phải cử một trong những viên tướng sáng giá nhất bấy giờ là Phục Ba tướng quân – Mã Viện nam chinh sát phạt. Trước là thế giặc ồ ạt như vũ bão, sau là lũ tiểu nhân mưu sâu hai lòng, Hai Bà Trưng thân cô thế cô đành lui về miền Cấm Khê, tuyệt vọng vẫy vùng trong cái bại đã định.
Tuy cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tan tác, nhưng khí khái thư hùng vẫn còn âm dội mãi với núi sông, để rồi linh hồn Hai Bà trường tồn dài lâu hơn nhiều những dòng sử phù du ngắn ngủi về một cuộc nổi dậy thất bại. Hai ngàn năm qua, Hai Bà vẫn sống trên đất Việt như một tượng đài của chí khí thư hùng, một đấng linh thiêng phù trợ con dân và bờ cõi. Chú tâm nhìn lại sức sống lâu dài ấy, ta sẽ thấy thêm nhiều tầng nghĩa văn hóa, tâm linh ẩn sau.
Trước hết, những gì còn được lưu giữ về Trưng Nữ Vương trong các thư tịch, huyền sử và chính sử ẩn nhẫn kể lại cho chúng ta nghe những góc nhìn khác nhau, biến chuyển theo trí tưởng tượng và mục đích người hồi tưởng.
Về với không gian sử Việt, trong ngưỡng vọng của những con dân yêu nước, Hai Bà Trưng trở thành tượng đài của lòng dũng cảm, kiên cường chống ngoại xâm với tham vọng tự chủ. Dẫu là mục đích chính trị, hay xuất phát từ tinh thần dân tộc, hay quả thực đã có một nghiên cứu chi tiết hơn ngay trên xứ sở của cuộc chiến, các sử thần Việt đã thêm thắt và thay đổi một số tình tiết để kể lại câu chuyện của mình, câu chuyện của đất nước mình.
Năm 1272, Lê Văn Hưu của nhà Trần lần đầu đưa Hai Bà Trưng vào bộ quốc sử đầu tiên của nước ta – Đại Việt sử ký, tạo tiền đề tư liệu cho các bộ sử về sau. Bộ sử đã thất lạc trong cuộc tàn phá văn hóa thời Minh thuộc, nhưng qua những gì Ngô Sĩ Liên tập hợp và kế thừa trong Đại Việt sử ký toàn thư, ta phần nào thấy được bối cảnh thời đại và góc nhìn của sử gia Việt.
Suy xét sâu xa các tình tiết sử gia Việt bổ sung và nhấn mạnh, ta nhận ra nhiều thêm tầng ý nghĩa ẩn chứa. Ở đó, sự thất bại Vua Bà đâu chỉ bởi thế giặc mạnh mà vốn dĩ lòng người đã tan tác trong niềm tin mỏng manh về người cầm quyền là phụ nữ. Hơn cái cả nhìn gay gắt về giới tính là bài học về sự đồng lòng trong bối cảnh nền tự trị đang bị đe dọa trước vó ngựa Mông Nguyên.
Lời lẽ của Lê Văn Hưu đanh thép mà sâu cay khi bình về Hai Bà:
Tưởng như là một sự đề cao nữ quyền ngay dưới ngòi bút của một Nho gia dưới bóng thánh giáo, trong một thời đại trọng nam khinh nữ là thói đời. Nhưng hơn hết, đánh giá cao những đức tính tốt đẹp của của bậc anh thư giúp sử gia đại diện cho quân chủ thắp lửa tinh thần, hiệu triệu toàn dân đứng lên chống giặc Nguyên hùng mạnh.
Nhưng ngược dòng về những năm 40 đầu Công nguyên ấy, có lẽ các hậu duệ của mẹ Âu Cơ vẫn còn quen thuộc với văn hóa mẫu hệ và xa rời những áp đặt về nếp sống phụ hệ của tập đoàn đô hộ phương Bắc. Ở xứ sở đó, không cần cái lẽ của thù nhà, nhân dân vẫn sẵn sàng đi theo một người phụ nữ, vì thiên tư, cũng vì nghĩa lớn của bà.
Có lẽ đoạn diễn ca tiếp sau này ít được người đời biết đến hơn phần mở đầu của nó. Bởi những đứa trẻ không cần và cũng không nên nghe một lời ru buồn. Và có lẽ còn buồn hơn nếu sự thật cách đây hai ngàn năm là Hai Bà tử trận chứ không phải thác mình với sông. Những chứng cớ ở góc độ tín ngưỡng tâm linh gợi nhắc về một sự thật phủ đầy bụi tro hai ngàn năm trước.
Như lời thơ của Đại Nam Quốc sử diễn ca, trong niềm tự tôn dân tộc và lòng kính yêu anh hùng cứu nước, mãi tận về sau người Việt vẫn giữ ý tưởng về việc Hai Bà thất trận rồi trầm vào sông Hát tự vẫn. Nhưng dân chúng thời đại Hai Bà có lẽ còn mơ hồ tinh thần dân tộc, cũng như không hay biết gì lời báo công của Mã Viện, mà 4 thế kỷ sau mới xuất hiện trên thư tịch (1), nên đã trung thực với cái chết mình chứng kiến qua cách thức thờ cúng đặc biệt còn lưu truyền đến ngày nay. Trong đền Hai Bà ở Hát Môn, bên dòng Hát Giang thuộc huyện Phúc Thọ, (Hà Nội) “án thờ, khí mãnh đều sơn đen, không có đồ sơn đỏ, dân không mặc áo đỏ, du khách hay khách hành hương mặc áo đỏ phải bỏ lại. Tương truyền thần bị chết về binh cách nên kiêng sắc đỏ giống màu huyết.”(2)
Thần tích về Hai Bà trong Việt điện u linh tập được một Nho gia là Lý Tế Xuyên ghi nhận lại. Trong bầu không khí tâm linh huyễn hoặc, thánh giáo cũng không thể phủ nhận sự thật được lưu truyền qua thờ cúng cõi trần: “Phu Nhân bị thế cô phải tử trận.”
Từ những kiêng kỵ mang đậm màu sắc tâm linh này mà ta có thể suy ra việc thờ cúng sơ khởi là thờ cúng linh hồn, trong nỗi kính sợ oan linh người anh hùng đã khuất, đồng thời cũng xác nhận thực tế bi đát và ghê rợn của cái chết. Phải chăng cũng chính nhờ bản chất buổi đầu là thờ cúng vong linh, mà đền thờ mới được chấp nhận và tồn tại dưới mắt các quan cai trị phương Bắc – những người cùng chia sẻ tín niệm thờ cúng với bản xứ. Quả thật, khó lòng cố chấp tin rằng một đền thờ anh hùng dân tộc – mà phương Bắc xem là nữ tặc – có thể được thờ cúng ngang nhiên trước mũi nhà cầm quyền ngoại bang hàng chín thế kỷ.